VỀ TÔI

Rất vui được làm quen với bạn.

Tôi là Hiếu Tuấn (Lê Nguyễn Hiếu Tuấn) – tác giả của Lo Chuyện Bao Đồng.

Tôi là một nhân viên Công tác xã hội, hiện đang sinh sống tại Sài Gòn, Việt Nam.

Tốt nghiệp ngành Công tác xã hội – Đại học Mở TP.HCM và ngành Tâm lý học – Đại học KHXH&NV TP.HCM, tôi có niềm yêu thích công việc hỗ trợ con người xung quanh tôi.

Tới thời điểm hiện tại, tôi có 8 năm kinh nghiệm tham gia các dự án, chương trình cộng đồng, và một điều may mắn là tôi vẫn còn đang đu bám được với nghề (có vẻ tổ nghề chưa cho nghỉ).

Được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, tôi có cơ hội tích lũy cho mình nhiều câu chuyện khác nhau. Và tôi muốn lưu giữ các câu chuyện đó tại đây, cũng như chia sẻ với bạn, thay vì giữ chúng trong lòng. Bởi vì một câu chuyện không được kể ra rồi cũng sẽ trở thành một câu chuyện bị lãng quên.

Vậy, mời bạn tham gia cùng tôi.

Vì sao lại là Lo Chuyện Bao Đồng?

Cuối năm 2013, tôi chính thức bước vào đại học với giấy báo trúng tuyển ngành Công tác xã hội. Đi kèm với kết quả vượt vũ môn thành công, những ngày đầu đi học (và cả cho đến sau này) tôi thường nhận được những đôi mắt hình dấu chấm hỏi, những hàng chân mày nhíu lại, cùng câu hỏi quen thuộc – “Công tác xã hội là học cái gì?”. Và thường mọi người sẽ đúc kết ra một nhận định như này:

À! Học công tác xã hội là đi lo chuyện bao đồng!

Và thực ra tôi cũng phần nào đồng tình với nhận định trên, ở thì “đã từng”. Chẳng phải sao, khi mà chuyện riêng của cá nhân người ta, của nhà người ta, của làng người ta, khi không mình lại nhúng cái mũi, chỏ cái mỏ vô làm chi. Nói vậy thôi, tôi vẫn mang tập sách, bút thước lên giảng đường hằng ngày. Những kiến thức tại giảng đường dần thay đổi tư duy, quan điểm của tôi. Sau khoảng thời gian không hề bằng phẳng, tôi cũng lấy được tấm bằng đại học ra trường, cùng sự khác biệt về góc nhìn của bản thân đối với việc “nhiều chuyện”.

Tâm lý gia người Áo – Alfred Adler, người phát minh ra trường phái Tâm lý học Cá nhân (Individual Psychology), đúc kết ra một trong những khái niệm có thể xem là trung tâm và quan trọng nhất trong học thuyết của ông, khái niệm Cảm thức cộng đồng. Nói một cách tóm lược nhất có thể, cảm thức cộng đồng là cảm giác thôi thúc bên trong mỗi người về việc trở thành một phần của cộng đồng, của xã hội. Cảm thức cộng đồng thúc đẩy mỗi người chúng ta có thái độ sống tích cực, quan tâm và hợp tác với người khác, vì khi cố gắng cống hiến cho xã hội, chúng ta sẽ cảm thấy được thuộc về, cảm nhận rằng bản thân mình là người có giá trị, và từ đó tinh thần, tâm lý ta cũng đủ đầy, vẹn toàn hơn.

Với tôi, đi lo chuyện bao đồng không phải lúc nào cũng là xấu. Một người biết “nhiều chuyện” một cách phù hợp, có tính khoa học, có phương pháp đúng đắn, trong khuôn khổ cho phép, đôi khi lại mang đến những điều tích cực. Biết đâu được, nhờ có cái mũi của bạn nhúng vào, mà một số người vốn mang nhiều ưu tư, nhiều nỗi niềm khó chia sẻ, lại có thể nhẹ gánh hơn, mở lòng mình ra và sẵn sàng tìm kiếm sự hỗ trợ từ xung quanh. Nếu vậy thì tự mình có tính bao đồng một chút cũng tốt đấy chứ.

Và đây là Lo chuyện bao đồng, nơi ghi lại những chuyện bao đồng của một người thích lo chuyện bao đồng.